Tỉnh Khánh Hoà đẩy mạnh chương trình kinh tế hộ.
Mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số có một ruộng lúa, một vườn rừng, giúp cho đồng bào xoá được đói, giảm được nghèo một cách ổn định, lâu dài. Đây chính là cách làm của tỉnh uỷ Khánh Hoà nhằm tạo ra một hướng giải quyết tình trạng nghèo đói ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh chương trình đầu tư phát triển kinh tế xã hội miền núi đã có từ lâu.
Những vạt đồi trơ trụi. Lửa đốt rẫy âm ỉ cháy suốt cả ngày cả đêm. Nhiều cánh rừng bị thu hẹp. Một thời gian dài trước đây, cách làm ăn của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà là thế. Còn lúc này, ở Sơn Thái, xã khó khăn nhất của huyện Khánh Vĩnh, những ngọn đồi trọc ngày trước đã được thay thế bằng các vườn rừng. Ngay cả những người dân điạ phương cũng không ngờ đến bởi sự thay đổi diễn ra chỉ trong vòng 3 năm.
Bà Cà Thị Phương, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà.hy vọng vào số tiền nhiều triệu đồng từ việc bán cây keo lá tràm để làm nguyên liệu giấy. Vườn rừng nhà bà sau 3 năm trồng đã đem lại cái lợi dễ thấy. Bà Phương cho biết: “Vườn cây là trên tỉnh cho tôi tiền, mua cây giống để trồng. Mình bỏ công chăm sóc một thời gian. Lúc này không còn làm gì nhiều nữa, chỉ chờ đến lúc bán cây”.
Chương trình kinh tế hộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh uỷ Khánh Hoà đưa ra từ cách đây 3 năm, không ngoài mục đích thay đổi cuộc sống cuả đồng bào, để người dân có được một cách làm ăn mới. Nghèo đói được giải quyết từ chính họ chứ không phải là tiền trợ cấp. Khoảng 9 tỷ đồng được đầu tư để giúp người dân tạo vườn nhà, vườn rừng với diện tích 1700 ha. Trên 3000 hộ đã có vườn nhà, vườn rừng.
Ông Lê Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà cho biết: “Chương trình phát triển kinh tế hộ gia đình đồng bào thiểu số có sự giám sát khá chặt chẽ của chính quyền, đoàn thể. Số vốn hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình để lập vườn rừng không nhiều nhưng được quản lý chặt. Chính điều này giúp cho người dân không còn thói quen sử dụng nguồn vốn hỗ trợ để chi tiêu mà đầu tư cho sản xuất. Từ lúc trồng đến lúc đưa vào khai thác khá dài, vì vậy, trước khi giúp người dân làm vườn rừng, chủ trương của tỉnh Khánh Hoà là tạo quỹ đất cho đồng bào làm lúa nước. Có lương thực, người dân mới an tâm làm vườn rừng”.
Ông Nguyễn Viết Hoàng, cán bộ xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà phát biểu: “Tốc độ xoá đói giảm nghèo ở khu vực miền núi khá nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, điều quan tâm hiện nay là làm sao để hiệu quả chương trình được bền vững. Sau những đầu tư cơ sở hạ tầng, lúc này, thêm những đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình như cách làm mà tỉnh uỷ Khánh Hoà đưa ra sẽ là cách để rút ngắn khoảng cách cuộc sống người dân miền núi với các khu vực khác”.
bannhanong.vietnetnam.net (18/04/2006)
(Nguồn:VTV.vn)
|