Tiết kiệm nước, bước đột phá mới trong sản xuất lúa
Mô hình quản lý tiết kiệm nước tưới trên lúa được áp dụng thử nghiệm
tại phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên, do Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang
thực hiện. Mục đích của mô hình nhằm giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác
lúa truyền thống, giảm thiểu số lần tưới nước cho một vụ lúa, từ đó tiết giảm
chi phí đầu tư, thu được lợi nhuận cao hơn cho nhà nông trong sản xuất.
Sau 3 tháng thực hiện, Hội thảo tham quan đánh giá mô hình đã
được tổ chức vào ngày 24/08/2005, với sự tham dự của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV),
Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Sở Nông nghiệp & PTNT, 11Trạm Khuyến
nông trong tỉnh cùng đông đảo bà con nông dân trong vùng.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Phụng, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục
BVTV báo cáo về tình hình ứng dụng tưới nước tiết kiệm trên lúa kết hợp với biện
pháp 3 giảm 3 tăng. Đây là một chương trình mới và được áp dụng đầu tiên tại
tỉnh An Giang trong vụ 3 năm 2005, với tổng diện tích thử nghiệm là 17,3 ha, gồm
19 hộ tham gia. Trong đó, 8,3 ha - 9 hộ nông dân tham gia tưới tiết kiệm nước và
9ha - 10 hộ nông dân tham gia đối chứng. Giống lúa được trồng là Jasmine và OM
2514.
Áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm trên lúa, kết hợp với
kỹ thuật 3Giảm 3Tăng, bước đầu cho thấy:
- Giảm chi phí bơm nước, tiết kiệm lượng nước sử dụng.
- Không ảnh hưởng đến năng suất.
- Tăng hiệu quả kinh tế
Theo ước đoán lúa tiết kiệm nước năng suất trung bình đạt
khoảng 5,8 - 6,0 tấn/ha, với số lần bơm nước là 4 lần. Năng suất lúa đối chứng
đạt khoảng 5,3 tấn/ha với số lần bơm là 8 lần. Ngoài ra, việc áp dụng tiết kiệm
nước sẽ giảm được gần một nữa số tiền bơm nước nhưng năng suất của việc áp dụng
tiết kiệm nước cao hơn, cộng thêm chương trình 3 giảm 3 tăng, nông dân càng tăng
lợi nhuận. Giá thành sản xuất của ruộng áp dụng " Tiết kiệm nước" là 1.142đ/kg.
Trong khi ruộng dân (đối chứng) là 1.382đ/kg. Chênh lệch 240đ/kg. Lợi nhuận của
mô hình là 671.700đ/công, tăng 185.000đ/công so với đối chứng.
Theo nông dân Trần Ngọc Đâu, “Tôi áp dụng chương trình này,
chẳng những lúa trúng hơn, chi phí lại giảm nhiều hơn so với vụ trước”.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Cục phó Cục BVTV phía Nam, sau khi thăm
khảo sát ruộng trình diễn, đánh giá rất cao về tính năng động của cán bộ kỹ
thuật trong việc chuyển giao tiến bộ mới cho nông dân. Theo Ông, chính điều này
đã góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương phát
triển một cách bền vững. Sự thành công của mô hình này, có thể được xem như tiền
đề để có thể triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Trang Nghiêm (Nông
nghiệp An Giang)
|